Nhiều quyết sách đúng đắn, chính sách hợp lý cùng chiến lược đầu tư, hoàn thiện hạ tầng đã giúp Long An trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư những năm qua, góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển và đưa địa phương vươn lên, trở thành tỉnh dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Tính đến tháng 11/2020, Long An thu hút 2.013 dự án trong nước, 1.082 dự án FDI

Tính đến tháng 11/2020, Long An thu hút 2.013 dự án trong nước, 1.082 dự án FDI

Điểm sáng trong thu hút đầu tư

Theo đánh giá, Long An có vị trí địa lý thuận lợi, là cửa ngõ kết nối, thông thương, hành lang phát triển kinh tế liên kết giữa TP.HCM – Đông Nam bộ với khu vực ĐBSCL rộng lớn theo hướng Bắc – Nam, với cảng biển, cửa khẩu quốc tế theo hướng Đông – Tây. Nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các nhà đầu tư đến với Long An sẽ dễ dàng tiếp cận những tiện ích về hạ tầng kinh tế – kỹ thuật, thị trường của TP.HCM – trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước; đồng thời, thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ ngành công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm tại ĐBSCL – vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Hơn nữa, từ rất sớm, Long An đã chú trọng quy hoạch xây dựng khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư. Hệ thống giao thông thủy, bộ khá hoàn thiện, nhiều tuyến quốc lộ (Quốc lộ 1, N2, 62), đường cao tốc đi ngang địa bàn, thuận lợi trong việc vận chuyển, giao thương hàng hóa.

Bên cạnh vị trí địa lý chiến lược, Long An có nhiều chính sách đúng đắn, hợp lý trong thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp (DN) đến đầu tư, hoạt động. Lãnh đạo tỉnh luôn đồng hành cùng DN, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong quá trình hoạt động để các đơn vị an tâm sản xuất.

Mặt khác, tỉnh không ngừng đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính, tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh,… để trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư.

Đại diện Ban Quản lý Khu công nghiệp Tân Kim mở rộng (huyện Cần Giuộc) – Nguyễn Văn Bảnh cho biết: “Long An có nhiều điều kiện thuận lợi để DN đầu tư và hoạt động. Trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh của DN, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh, huyện từ cơ chế, chính sách cũng như các thủ tục liên quan. Tỉnh còn thường xuyên gặp gỡ, trao đổi để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của DN, giúp đơn vị an tâm hoạt động. Khu chính thức đi vào hoạt động từ năm 2010, tiếp nhận nhà đầu tư thứ cấp đầu tiên năm 2015, hiện nay có gần 60 DN hoạt động, lấp đầy đạt 100%”.

Đại diện lãnh đạo Khu công nghiệp Hòa Bình (huyện Thủ Thừa) – Đặng Trung Tín chia sẻ: “Long An là một trong những địa phương có môi trường đầu tư hấp dẫn. Chúng tôi luôn được lãnh đạo tỉnh, huyện tạo mọi điều kiện thuận lợi trong quá trình hoạt động cũng như thu hút đầu tư. Lãnh đạo tỉnh, huyện thường xuyên tổ chức đối thoại, gặp gỡ DN,… từ đó, mối quan hệ giữa hai bên cởi mở, gắn kết hơn. Bên cạnh đó, chúng tôi có chính sách, kế hoạch để thu hút đầu tư, từ đó đạt kết quả tích cực, hiện cơ bản lấp đầy toàn bộ diện tích đất. Khu có diện tích 118ha với 32 DN thứ cấp, trong đó DN FDI chiếm 50-60%”.

Tăng cường thu hút đầu tư bằng nhiều giải pháp

Tiềm năng, lợi thế của Long An được địa phương khai thác tốt để phát triển, thu hút đầu tư, thúc đẩy KT-XH tỉnh nhà ngày càng phát triển. Năm 1997 – cột mốc đầu tiên khi Long An tiếp nhận DN đến đầu tư, thực hiện dự án trên địa bàn. Kể từ đó đến nay, tỉnh không ngừng đổi mới, phát triển. Tính đến tháng 11/2020, Long An có hơn 12.500 DN đăng ký thành lập với tổng vốn đăng ký 328.144 tỉ đồng. Long An thu hút 2.013 dự án trong nước được cấp chứng nhận đầu tư với số vốn đăng ký 233.412,4 tỉ đồng và 1.082 dự án FDI, vốn đăng ký 6.636,1 triệu USD (588 dự án đi vào hoạt động với tổng vốn thực hiện khoảng 3.624 triệu USD). Khu, cụm công nghiệp của tỉnh đều tập trung ở những vị trí thuận lợi về đường bộ lẫn đường sông, phân bố hợp lý, tiếp giáp TP.HCM; cảng biển của tỉnh hiện nay có thể tiếp nhận tàu 30.000 tấn và trong tương lai có khả năng tiếp nhận tàu trên 50.000 tấn. 

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh – Nguyễn Văn Út thông tin: Nhờ lợi thế về vị trí địa lý, đất đai, lao động cùng chủ trương, chính sách đúng đắn, sự chỉ đạo xuyên suốt của lãnh đạo tỉnh với phương châm “Chính quyền địa phương phải đồng hành cùng DN, coi khó khăn của DN là khó khăn của tỉnh”, nhiều năm qua, Long An trở thành “điểm sáng” trong công tác thu hút đầu tư trong vùng cũng như cả nước, đứng vị trí tốp đầu của khu vực ĐBSCL. Môi trường đầu tư của tỉnh luôn thông thoáng, hấp dẫn, an toàn, hiệu quả cho các nhà đầu tư. Địa phương luôn quan tâm, tạo điều thuận lợi trong công tác thu hút đầu tư, đặc biệt là việc thu hút các DN hoạt động trong lĩnh vực phát triển hạ tầng khu công nghiệp và các nhà đầu tư hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp. 

Long An đánh giá rất cao vai trò của các nhà đầu tư đối với sự phát triển KT-XH của tỉnh. Với quan điểm đồng hành cùng DN, tỉnh xem khó khăn của DN là khó khăn của tỉnh và thành công của DN là thành công của tỉnh, từ đó địa phương có những chính sách quan trọng, hợp lý, an toàn, hiệu quả trong thu hút đầu tư. Mục tiêu của Long An là tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh một cách thực chất, hiệu quả hơn, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để tiếp nhận các dự án đầu tư, phù hợp với chính sách thu hút đầu tư của tỉnh. Thời gian tới, Long An tiếp tục đồng hành cùng DN, khắc phục hạn chế, khó khăn chủ quan từ phía địa phương và đưa ra các giải pháp cụ thể.

Bên cạnh đó, Long An chú trọng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hoàn thiện kết cấu hệ thống hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu,… để tăng cường thu hút đầu tư, góp phần phát triển KT-XH địa phương./.