Tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc và có tính tiên phong. Đến năm 2030, số lượng đô thị toàn tỉnh là 22 đô thị.
Tỉnh ủy Lâm Đồng vừa ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh.
Định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Theo chương trình hành động đã đề ra, tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc và có tính tiên phong. Tỷ lệ đô thị hoá đến năm 2025 đạt trên 54%, đến năm 2030 đạt trên 58,8%. Tỉ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh đạt khoảng 1,5 – 2% vào năm 2025, đến năm 2030 đạt khoảng 2 – 2,5%.
Đến năm 2025, toàn tỉnh Lâm Đồng sẽ có 19 đô thị (1 đô thị loại I, 1 đô thị loại II, 1 đô thị loại III, 6 đô thị loại IV và 10 đô thị loại V). Đến năm 2030, số lượng đô thị toàn tỉnh là 22 đô thị (1 đô thị loại I, 1 đô thị loại II, 3 đô thị loại III, 7 đô thị loại IV và 10 đô thị loại V).
Đến năm 2025, 100% các đô thị hiện có và đô thị mới có quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, chương trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị; bảo đảm 100% đô thị loại III trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng về y tế, giáo dục – đào tạo và công trình văn hoá cấp đô thị.
Tỉnh Lâm Đồng cũng sẽ tập trung huy động nguồn lực phát triển các đô thị gắn với động lực của từng vùng, gắn phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới, từng bước xây dựng các đô thị xanh, thông minh. Trong đó, sẽ mở rộng không gian đô thị TP. Đà Lạt thành một vùng đô thị hiện đại, đẳng cấp quốc tế; có đặc thù về khí hậu, cảnh quan tự nhiên, văn hóa lịch sử, di sản kiến trúc tầm quốc gia, khu vực và có ý nghĩa quốc tế.
TP. Bảo Lộc sẽ là đô thị hạt nhân phía Nam của tỉnh, trung tâm kết nối giao thương của vùng tỉnh với vùng TP. Hồ Chí Minh, vùng Tây Nguyên và vùng duyên hải Nam Trung Bộ.
Đô thị Đức Trọng là cửa ngõ giao thương quốc tế của vùng và quốc gia; trung tâm nghiên cứu và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế; trung tâm công nghiệp dược, mỹ phẩm cấp vùng. Đô thị Di Linh là đô thị trung tâm thương mại dịch vụ cấp vùng, trung chuyển hàng hóa trong tỉnh và vùng Tây Nguyên, vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Riêng đô thị Mađaguôi là trung tâm động lực kinh tế – xã hội 3 huyện phía Nam của tỉnh.
Tầm nhìn đến năm 2045, hệ thống đô thị trên toàn tỉnh sẽ liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền, có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, kiến trúc tiêu biểu giàu bản sắc, xanh, hiện đại, thông minh. Cơ cấu kinh tế khu vực đô thị phát triển theo hướng hiện đại với các ngành kinh tế xanh, kinh tế số chiếm tỉ trọng lớn. Tỉnh Lâm Đồng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị
Cũng theo chương trình hành động đã đề ra, tỉnh Lâm Đồng sẽ tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa; nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững.
Cụ thể, tổ chức quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị, vùng đô thị theo kế hoạch; hạn chế khai thác đất nông nghiệp manh mún, tự phát; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đô thị; tránh dàn trải, lãng phí nguồn lực, sử dụng đất không hợp lý.
Tập trung quy hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, khu công cộng, quy hoạch quản lý sử dụng không gian, kể cả không gian ngầm và hệ thống công trình ngầm đô thị phù hợp với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch bảo đảm quốc phòng, an ninh; gắn kết chặt chẽ giữa công tác lập quy hoạch, phát triển đô thị với nhiệm vụ lập quy hoạch và quản lý, bảo vệ các khu quân sự và địa hình ưu tiên cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Tỉnh Lâm Đồng cũng xác định, tập trung đầu tư xây dựng các đô thị chức năng khu vực, dự án công trình trọng điểm để thu hút nguồn lực, tạo động lực phát triển hệ thống đô thị của tỉnh bền vững, hiện đại và đồng bộ.
Trong đó, kiến tạo mô hình phân bổ không gian phát triển đô thị, khu vực hiệu quả, bền vững, hình thành được các vùng kinh tế động lực, các trung tâm kinh tế, đô thị chức năng, động lực gắn với tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn.
Từ đó, tạo điều kiện cho kinh tế tăng trưởng, phát triển mạnh và bền vững để Lâm Đồng trở thành đầu mối giao thương quốc tế, quốc gia và 3 vùng kinh tế trọng điểm (Vùng Tây Nguyên, vùng TP. Hồ Chí Minh và vùng duyên hải Nam Trung Bộ);
Là đầu mối giao thông đường bộ quan trọng của vùng Nam Tây Nguyên với các trục hành lang kinh tế trọng điểm (Cao tốc Dầu Giây – Liên Khương; Liên Khương – Nha Trang; Liên Khương – Buôn Ma Thuột và các tuyến Quốc lộ: 20, 55, 27, 27C, 28, 28B và đường Trường Sơn Đông).
Ngoài ra, địa phương còn phát triển các chương trình, dự án trọng điểm, làm động lực chính phát triển lan tỏa trong toàn tỉnh; tập trung ưu tiên đầu tư các dự án có vai trò tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh theo từng lĩnh vực.
Ưu tiên phát triển hạ tầng kỹ thuật khung kết nối với quốc tế, quốc gia và vùng, bao gồm việc nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Liên Khương từ cấp 4D lên cấp 4E; xây dựng khôi phục tuyến đường sắt Đà Lạt – Tháp Chàm; các tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương; Liên Khương – Nha Trang, Liên Khương – Buôn Ma Thuột;
Các tuyến Quốc lộ: 20, 55, 27, 27C, 28, 28B và đường Trường Sơn Đông, hệ thống các tuyến đường tỉnh, các tuyến giao thông kết nối đô thị, kết nối liên vùng của TP. Đà Lạt, TP. Bảo Lộc, đô thị Đức Trọng và một số huyện.
Một số nhiệm vụ và giải pháp khác được Tỉnh uỷ Lâm Đồng đề cập đến trong chương trình hành động là: Đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị và chất lượng cuộc sống đô thị, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh, an toàn và trật tự đô thị;
Phát triển kinh tế khu vực đô thị, đổi mới cơ chế, chính sách tài chính và đầu tư phát triển đô thị; Quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản theo quy định pháp luật, kiểm soát và sử dụng có hiệu quả giá trị gia tăng từ đất, nhất là khi hạ tầng giao thông được đầu tư mở rộng; khai thác quỹ đất hai bên tuyến đường nhằm tạo nguồn thu ngân sách… |